Trang chủTin nổi bậtĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC BÁN...

ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC BÁN DẪN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TẠI HẢI PHÒNG

PGS.TS Lê Đắc Nhường

Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hải Phòng

1. Đặt vấn đề

Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, với những bước tăng trưởng mạnh mẽ, từ năm 2001 đến năm 2023, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Năm 2024, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn bán dẫn dự kiến ​​​​sẽ đạt 611,23 tỷ USD trên toàn thế giới với mức tăng trưởng 16%[1]. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với nhu cầu cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, kết hợp với diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam đang sở hữu một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn như: quyết tâm chính trị cao, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển [1, 4].

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên. Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, xây dựng Chiến lược Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã yêu cầu “Tập trung đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030” [2, 3].

Về phía các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh… đều đang thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn. Hải Phòng là một thành phố lớn, đang phát triển rất mạnh mẽ, có lợi thế lớn về hạ tầng giao thông, logistics. Năm 2023, Hải Phòng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 3,5 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ hai toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI. Với chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm môi trường đầu tư an toàn, đôi bên cùng có lợi theo đúng phương châm của Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu: “Sự thành công của doanh nghiệp chính là sự thành công của Hải Phòng”. Trong định hướng phát triển, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng thêm 13 khu công nghiệp mới với tổng diện tích gần 5.000 ha. Đây là những tiềm năng, lợi thế để Hải Phòng tăng tốc thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này, bên cạnh chuẩn bị về cơ sở hạ tầng đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp thành phố cần triển khai nhanh việc đào tạo, chuẩn bị đội ngũ kỹ sư, công nhân trình độ cao trong lĩnh vực bán dẫn. Nhằm cụ thể hoá sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, chiều ngày 29/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Hải Phòng đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hải Phòng với Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng và Sở Khoa học – Công nghệ Hải Phòng về triển khai Chương trình đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn và các giải pháp chuyển đổi số giáo dục, đổi mới sáng tạo. Sự hợp tác giữa các bên sẽ góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực hoạt động của mỗi bên trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực của mỗi bên trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có tính ứng dụng cao về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho thành phố Hải Phòng.

2. Xu hướng phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực và thực trạng đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, bán dẫn tại Việt nam và thành phố Hải Phòng

2.1 Xu hướng phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn

Để đạt mục tiêu đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phải coi phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá về đào tạo nguồn nhân lực và cần đầu tư cho xứng tầm đột phá này; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư cho phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn. Số liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng trên 50 công ty, trên 5.000 kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn [2].

Hình 1. Thực trạng các doanh nghiệp và đội ngũ kỹ sư vi mạch bán dẫn tại Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trong đó, nhấn mạnh đến sự phối hợp với các địa phương có đầu tư nước ngoài về ngành bán dẫn vận động tài trợ quốc tế xây dựng các phòng Lab tại một số thành phố hoặc trường đại học; xây dựng các mô hình thành phố bán dẫn, khu công nghiệp bán dẫn; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, kết nối hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam với toàn cầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo 30.000 sinh viên đại học phục vụ ngành chip bán dẫn trong giai đoạn 5 năm; xây dựng các chương trình đào tạo chuyển đổi cho các đối tượng tốt nghiệp các ngành gần, liên quan đến công nghiệp bán dẫn; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu tổ chức đào tạo nâng cao/liên thông cho các kỹ sư hệ cao đẳng trong các ngành liên quan lên kỹ sư hệ đại học thuộc ngành công nghiệp bán dẫn [1].

Hình 2. Phân tích nhu cầu tuyển dụng kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam (9/2023)

2.2 Thực trạng đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, bán dẫn

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Các công ty vi mạch phân chia nguồn nhân lực thành các cấp khác nhau, dựa trên trình độ, kỹ năng, và kinh nghiệm làm việc. Tiêu chuẩn để phân cấp là khác nhau giữa các công ty, tuy nhiên cơ bản thì sẽ có các cấp như sau: kỹ sư mới vào nghề (Fresher engineer), Kỹ sư bậc Junior (Junior engineer), kỹ sư bậc Senior (Senior engineer), kỹ sư bậc Staff (Staff Engineer), kỹ sư bậc Senior Staff (Senior staff engineer), kỹ sư bậc Principal (Principal engineer) [5-8]. Trong đó, kỹ sư từ bậc Senior trở lên có nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, kỹ sư bậc Junior và Fresher còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm, nên cần đào tạo thêm. Các kỹ sư cấp Senior trở lên có thể là người hướng dẫn, đào tạo kỹ sư cấp dưới khi làm việc trực tiếp trong các dự án. Khi phân tích và so sánh, chúng ta có thể thấy được sự khác nhau giữa các mức độ đào tạo tại Việt Nam và trên thế giới so với tiêu chuẩn phân cấp khác nhau về nhân lực trong lĩnh vực này trong Hình 3.

Hình 3. So sánh thực trạng đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỉ đồng vào GDP. Các giải pháp đưa ra như cần đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở; đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn…

Trong 2024, có khoảng 10 trường đại học lớn về kỹ thuật đã xây dựng đề án liên trường, liên khoa đào tạo ngành vi mạch bán dẫn, tiêu biểu như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia thành phốs Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT và Trường Đại học CMC. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đào tạo kỹ sư bán dẫn sẽ chia thành hai giai đoạn. Trong ba năm đầu, sinh viên được trang bị các khối kiến thức về toán học và khoa học cơ bản, điện tử viễn thông như: toán, vật lý, lập trình, mạch điện tử, cấu trúc máy tính, xử lý tín hiệu và thông tin. Từ năm thứ tư, sinh viên bước vào chuyên ngành thiết kế vi mạch.

2.3 Nhu cầu nhân lực và vấn đề đặt ra với thành phố Hải Phòng

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến năm 2025, Hải Phòng cần thu hút khoảng 10 tỷ USD vốn FDI, cứ 1 tỷ USD vốn FDI được thu hút cần khoảng 10.000 lao động. Trong đó, nhu cầu phải có từ 3.000 – 4.000 lao động có tay nghề cao với các dự án tiêu biểu: Tập đoàn LG (8,24 tỷ USD), Tập đoàn Bridgestone- Nhật Bản (1,22 tỷ USD), Tập đoàn Regina Miracle- Hồng Kông (1 tỷ USD),… Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cao của Hải Phòng rất lớn. Hải Phòng đang hướng đến thu hút các ngành kỹ thuật cao, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đó là: Có trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng thực hiện công việc theo nhiều cấp độ khác nhau, kỹ năng làm việc nhóm, tính tuân thủ, kỷ luật; biết ngoại ngữ và am hiểu công nghệ thông tin…

Tại Hải Phòng, có 4 trường đại học, trong đó có 3 trường đại học có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn gồm trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trường Đại học Hải Phòng và trường Đại học Quản lý và Công nghệ. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn trong thời gian ngắn tại Hải Phòng, thành phố nên tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, nhân lực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông… để đào tạo bổ sung về công nghệ bán dẫn. Đồng thời, thành phố cần hỗ trợ xây dựng và hình thành các trung tâm, khoa, viện, phòng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

3. Định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn của Trường Đại học Hải Phòng phục vụ phát triển doanh nghiệp tại Hải Phòng

Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hải Phòng với Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng và Sở Khoa học – Công nghệ Hải Phòng là phấn đấu đến năm 2030, đào tạo 1.500 – 3.000 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về thiết kế vi mạch (cấp độ 1, 2, 3) cho đội ngũ giảng viên (ToT), kỹ sư; đào tạo 5.000 – 15.000 lao động có kỹ năng cơ bản về thiết kế mạch điện, PLC, PCBA, PCB đáp ứng nhu cầu nhân lực các doanh nghiệp công nghệ cho người lao động, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại Hải Phòng và các vùng lân cận; Trường Đại học Hải Phòng phấn đấu cung cấp từ 50 – 100 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành vi mạch, bán dẫn trình độ Đại học mỗi năm bên cạnh các ý tưởng khởi nghiệp, đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ về vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin.

Định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn hiện nay tại Việt Nam có thể được tiến hành theo hai hướng: (1) tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; (2) kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Trường Đại học Hải Phòng tiếp cận và xây dựng chiến lược theo đồng thời cả 2 hướng, vừa đào tạo các khóa ngắn hạn chuyên sâu cho các kỹ sư đã tốt nghiệp để đáp ứng ngay nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, vừa đào tạo các khóa ngắn hạn kỹ năng cơ bản cho lao động phổ thông, sinh viên mới ra trường để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông qua đào tạo cơ bản. Song song với việc chuẩn bị đội ngũ, xây dựng chương trình đào tạo mới tuyển sinh từ đầu chuyên ngành vi mạch, bán dẫn.

Nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác, Trường Đại học Hải Phòng xây dựng kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn của Trường Đại học Hải Phòng phục vụ phát triển doanh nghiệp tại Hải Phòng tại Trường trong năm 2024 như sau:

– Một là, thành lập Tổ công tác triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hải Phòng, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ với Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế SUN EDU và Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 2154/QĐ-ĐHHP ngày 16/5/2024).

– Hai là, ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hải Phòng, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ với Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế SUN EDU và Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (Kế hoạch 2889/KH-ĐHHP ngày 04/6/2024) để cụ thể hóa các nội dung về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.

– Ba là, phối hợp với Cổ phần Giáo dục quốc tế SUN EDU và Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh xây dựng xong 02 chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch chuyên sâu cấp độ 1 và Xác minh chứng năng thiết kế chuyên sâu cấp độ 1. Phối hợp với Sở KH&CN, Ban Quản lý khu kinh tế gửi thông tin khóa học đến các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các trường đại học, cao đẳng trong thành phố và các vùng lân cận.

Hình 4. Chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch chuyên sâu cấp độ 1 và Xác minh chứng năng thiết kế chuyên sâu cấp độ 1 tại Trường Đại học Hải Phòng

– Bốn là, đang hoàn thiện thủ tục thành lập Trung tâm nghiên cứu đào tạo công nghệ thông tin, điện tử và bán dẫn (ESC Hải Phòng) thuộc Khoa Công nghệ thông tin phụ trách hợp tác đào tạo. Trường đang chuẩn bị phương án nâng cấp phòng máy, cơ sở vật chất chuẩn bị thực hiện đào tạo với việc cử đội ngũ giảng viên nguồn từ 2 khoa Công nghệ thông tin, Khoa Điện Cơ. Cử một số giảng viên trẻ đăng ký học Thạc sĩ vi mạch bán dẫn bên Đài Loan. Trong khuôn khổ chương trình Lễ ký kết, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cũng đã trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch cho Trường Đại học Hải Phòng.

Hình 5. Đầu tư cở sở vật chất cho  Trung tâm nghiên cứu đào tạo công nghệ thông tin, điện tử và bán dẫn (ESC Hải Phòng) của Trường Đại học Hải Phòng

– Năm là, Trường đã làm việc với tập đoàn AnSys về hợp tác triển khai các khóa đào tạo phần mềm chuyên về kiểm thử hệ thống và thiết kế mạch điện. Làm việc với LG Electronic, LG Display và LG Innoteck để khảo sát nhu cầu kỹ năng cần trang bị cho nhân viên tuyển dụng mới. Từ đó, triển khai xây dựng các khóa đào tạo kỹ năng thiết kế mạch điện, PLC, PCBA, PCB đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp công nghệ cho người lao động, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại Hải Phòng và các vùng lân cận.

– Sáu là, hoàn thành xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo trình độ Đại học chuyên ngành Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn – Chất lượng cao tại Trường Đại học Hải Phòng theo Quyết định 3573/QĐ-ĐHHP ngày 18/7/2024. Chuyên ngành bắt đầu tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên với 35 sinh viên từ tháng 9/2024.

Hình 6. Thẩm định chương trình đào tạo chuyên ngành điện tử, vi mạch và bán dẫn

của Trường Đại học Hải Phòng

– Bảy là, phối hợp với các bên luân phiên tổ chức Hội thảo khoa học trong nước hoặc quốc tế về vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin. Tổ chức hội thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin. Thành nhập nhóm sinh viên nghiên cứu về vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin trong Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số của Trường.

– Tám là, Trường tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở mới các chuyên ngành đào tạo nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, điện toán đám mây theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hải Phòng tại Công văn số 2040/UBND-VX ngày 12/9/2024 về việc thực hiện Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 23/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Một số kiến nghị và đề xuất

Để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn phục vụ phát triển doanh nghiệp tại Hải Phòng, thành phố cân nhắc sự cần thiết xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tại Hải Phòng dựa trên đề án được Thủ tướng ban hành.

Thành phố cần rà soát, nghiên cứu gói chính sách đặc thù, bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ dạng học bổng cho giảng viên, kỹ sư, sinh viên tại Hải Phòng học ngành thiết kế vi mạch và bán dẫn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành bán dẫn trong các khu công nghiệp của thành phố để hỗ trợ công tác đào tạo đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thành phố cần yêu cầu xây dựng kế hoạch theo lộ trình 5 năm, 10 năm, ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp triển khai đào tạo theo mục tiêu đề ra; hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo. Giao cho trường Đại học Hải Phòng là đầu mối, kết nối và triển khai các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ của thành phố trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn.

Cuối cùng, trong cách tiếp cận về xây dựng nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn, nhất thiết phải có chính sách thu hút các kỹ sư người Việt ở nước ngoài về khởi nghiệp hoặc đầu tư kinh doanh tại thành phố Hải Phòng. Trong cách tiếp cận của chúng ta, đội ngũ nhân lực thường được ngầm hiểu hoặc mặc định hiểu là người bản địa. Chưa nói đến sự thiếu hụt trong thực tế hiện nay tại thành phố Hải Phòng, độ vênh về trình độ, cách tiếp cận này vô hình trung đã loại bỏ một ưu thế của ngành mà các nước đi sau đều cố gắng tận dụng. Đó là hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật thông qua các kỹ sư và chuyên gia nước ngoài. Phát triển thị trường nhân lực bán dẫn tại Hai Phòng không nên chỉ có các chính sách đào tạo và bồi dưỡng mà nhất thiết phải có chính sách thu hút kỹ sư nước ngoài.

5. Kết luận

Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn phục vụ phát triển doanh nghiệp tại Hải Phòng rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học của thành phố, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm… Cùng với đó là cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành thiết kế vi mạch và bán dẫn. Trường Đại học Hải Phòng luôn sẵn sàng là điểm đến, là cầu nối hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư tại thành phố, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực… thực hiện nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn phục vụ phát triển doanh nghiệp tại Hải Phòng.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

[2]. Bộ Giáo dục và đào tạo (2023), Phát triển nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn: Cơ sở đại học đã sẵn sàng vào cuộc.

[3]. Chính phủ (2024), Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cần có tư duy chiến lược.

[4]. Dorakh, A. (2024). Interdependence and specialization in the global semiconductor industry. Journal of Infrastructure, Policy and Development8(6), 2436.

[5]. Grimes, S., & Du, D. (2022). China’s emerging role in the global semiconductor value chain. Telecommunications Policy46(2), 101959.

[6]. Trần Bách Hiếu, Đinh Trần Yến Nhi (2023). Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung trong lĩnh vực chất bán dẫn: Thực trạng và xu hướng trong tương lai. Vietnam Journal of Social Sciences & Humanities9(1).

[7]. Lê Thị Vân Nga. (2022). Ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu.

[8]. Singh, M., Sargent Jr, J. F., & Sutter, K. M. (2023). Semiconductors and the Semiconductor Industry. Congressional Research Service (CRS) Reports and Issue Briefs, R47508-R47508.

[1] Thomas Alsop, Semiconductor market revenue worldwide 1987-2025 (Report 05/6/2024)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN PHỔ BIẾN